Theo tờ Acient Mesoamerica, mặc dù thời kỳ Cổ điển của người Maya diễn ra tận năm 250 đến 900 sau Công Nguyên, nhưng nền văn minh của họ không kém cạnh các nền văn minh khác ra đời sau đó hàng thế kỷ, nhất là trong việc sản xuất, giao thương.
Các nhà khảo cổ đang làm việc trên khu vực từng là làng nghề muối của người Maya – Ảnh: Đại học Bang Lousiana
Tàn tích vừa được phát hiện dưới đầm phá Belize là một “làng nghề” làm muối lớn, và khác biệt với các nền văn minh thô sơ khác cùng niên đại, họ làm theo kiểu công nghiệp và buôn bán sản phẩm của mình đi khắp nơi.
Thời kỳ đó, muối là một vật phẩm vô cùng đắt đỏ khắp thế giới nên làng nghề này đã đem lại sự trù phú cho miền đất. Kết hợp với nhiều làng nghề muối khắp đế chế, người Maya sở hữu cả một nền công nghiệp làm muối, góp phần không nhỏ vào sự giàu mạnh của họ. Muối cũng là công cụ để họ bảo quản thịt, giúp cho bữa ăn của người Maya luôn phong phú và tiện nghi.
Một cọc gỗ nhà sàn được nước mặn bảo quản nguyên vẹn – Ảnh: Đại học Bang Lousiana
Theo Acient Origins, nghiên cứu lần này, dẫn đầu bởi nhà khảo cổ học Heather McKilop từ Đại học bang Louisana (Mỹ) đã thu thập được các tàn tích đầu tiên về làng nghề này – được gọi là Công trình muối Paynes Creek – kể từ năm 2004. Cuộc khai quật vẫn tiếp diễn cho đến nay và thu được nhiều xe tải hiện vật bao gồm công cụ, mảnh vỡ của lọ gốm được sử dụng để đun nước muối, các bếp đun, cọc gỗ, mái tranh… dùng làm các ngôi nhà sàn bên bờ đầm phá.
Đây là một khu rừng ngập mặn có nồng độ nuối trong nước cao nên được người Maya lựa chọn.
Nguồn: https://nld.com.vn/khoa-hoc/kinh-ngac-the-gioi-vuot-thoi-gian-cua-nguoi-maya-giau-duoi-dam-nuoc-20211123073426712.htm